Trước khi bắt tay vào xây dựng ngôi nhà, chắc chắn mỗi gia chủ cần phải đến cơ quan chức năng có thẩm quyền để đăng kí giấy phép xây dựng cho ngôi nhà của mình. Vậy tại sao cần phải đăng kí giấy phép trước khi xây dựng trước khi xây nhà? Câu hỏi này sẽ được giải đáp ở dưới đây.
Giấy phép xây dựng là gì?
Giấy phép xây dựng là một mẫu giấy tờ của cơ quan nhà nước và các tổ chức có thẩm quyền cấp cho các cá nhân, tổ chức, tập thể khi có nhu cầu về xây dựng nhà cửa hay các công trình có liên quan.
Đây là mẫu giấy tờ rất cần thiết và bắt buộc phải có mỗi khi cá nhân hay tổ chức, tập thể bắt tay vào quá trình xây dựng công trình theo nguyện vọng của bản thân. Ở Việt Nam các trình tự, thủ tục và quá trình xin giấy phép trong xây dựng được quy định rất rõ trong các quy định và Bộ luật về xây dựng.
Đối tượng cần xin giấy phép xây dựng
- Công trình thuộc diện xây mới, sửa chữa, chuyển đổi hay di dời theo quyết định của Nhà nước.
- Các khu công nghiệp, nhà máy chế xuất, xưởng sản xuất.
- Các dự án, trung tâm thương mại, nhà ở..
- Công trình thuộc dự án đầu tư cơ sở vật chất kĩ thuật của các địa phương.
- Công trình nhà ở đã được quy hoạch hoặc nhà ở được phép xây dựng trên phần đất được nhà nước công nhận trên giấy tờ sử dụng đất.
Điều kiện được cấp giấy phép xây dựng
- Tuân thủ các quy định về xây dựng và quy hoạch xây dựng.
- Bảo đảm theo đúng các chỉ giới về đô thị, chỉ giới xây dựng.
- An toàn và không ảnh hưởng đến các công trình khác, không có các hành vi xâm lấn, lấn chiếm các công trình công cộng, lề đường, vỉa hè..
- Không có tác động xấu hay hủy hoại các công trình kiến trúc, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, di sản văn hóa được nhà nước công nhận và bảo vệ.
- Không gây ô nhiễm môi trường.
- Thực hiện các quy định an toàn trong xây dựng, tuân thủ khoảng cách an toàn với các khu công nghiệp, kho chứa hóa chất.
- Không gây ảnh hưởng đến các công trình công cộng như thoát nước, tưới tiêu hay đường dẫn điện..
Nội dung của giấy phép
- Địa điểm xây dựng công trình.
- Loại công trình.
- Chỉ giới xây dựng.
- Hiệu lực pháp lí của giấy phép.
- Tình trạng môi trường và an toàn xây dựng.
Ngoài ra đối với những loại công trình như công nghiệp hay dân dụng cần yêu cầu một số điều khoản như diện tích sử dụng, chiều cao từng tầng, chiều cao tối đa của công trình hay màu sắc được sử dụng ở công trình.
Lí do tại sao cần xin giấy phép xây dựng
Giấy phép xây dựng được hiểu là một công cụ để kiểm tra, giám sát các hoạt động thuộc diện quy hoạch đô thị và nhờ vậy sẽ xác định được liệu các cá nhân, tổ chức có thực hiện đúng các quy định hiện hành hay không.
Để nhà nước bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của ngôi nhà bạn trước những đối tượng xấu.
Tránh các khiếu nại, kiện tụng có thể xảy ra.
Xác định các yếu tố như quyền sử dụng đất, diện tích sử dụng, và quy hoạch đô thị được ghi rõ trong sổ đỏ.
Trong trường hợp bạn muốn xây dựng nhà trên diện tích đất vườn, đất công nghiệp thì cần làm các thủ tục để chuyển đổi theo đúng quy định của nhà nước.
Hệ quả khi chưa có giấy phép
Theo các quy định hiện hành và tuân thủ theo Bộ luật xây dựng thì các cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi xây dựng, sửa chữa hay di dời các công trình nhà ở khi chưa có giấy phép xin xây dựng sẽ bị phạt .Theo khoản 6 điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ – CP:
- “6. Phạt tiền đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng như sau:
- a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn hoặc xây dựng công trình khác không thuộc các trường hợp quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản này;
- b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị;
- c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với xây dựng công trình thuộc trường hợp phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật xây dựng công trình hoặc lập dự án đầu tư xây dựng công trình.”
Như vậy trường hợp vi phạm nặng nhất tùy vào địa điểm xây nhà ở nông thôn hay thành thị theo mô hình nhà ở riêng lẽ sẽ chịu mức phạt là 15.000.000
Các cơ quan chức năng và các cơ quan có thẩm quyền sẽ có thể đình chỉ công trình xây dựng và tiến hành dỡ bỏ nếu như cố tình không thực hiện theo quy định.
Các thủ tục khi xin giấy phép
Hãy chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ như sau:
Giấy tờ cần có
Theo khoản 1 Điều 95 Luật Xây dựng, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng mới đối với nhà ở riêng lẻ gồm:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép trước khi tiến hành xây dựng.
- Bản sao một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
- Bản vẽ thiết kế xây dựng.
- Công trình xây dựng có công trình liền kề phải có bản cam kết bảo đảm an toàn đối với công trình liền kề.
Thủ tục thực hiện xin giấy phép xây dựng
- Tại Sở Xây dựng: công trình xây dựng cấp đặc biệt, cấp 1, công trình tôn giáo, di tích lịch sử, miếu đình, tượng đài, quảng cáo của thành phố do UBND thành phố qui định.
- Tại UBND quận, huyện: nhà ở riêng lẻ của người dân, công trình xây dựng khác trong phạm vi của địa phương đó.
- Tại ban quản lý đầu tư và xây dựng các khu đô thị mới, khu công nghiệp, chế xuất, khu công nghệ cao: công trình xây dựng tạm, sửa chữa cải tạo mà theo qui định phải xin giấy phép xây dựng trên phạm vi ranh giới khu đô thị, chế xuất, công nghiệp đó.
- Tại UBND xã: nhà ở riêng lẻ ở điểm khu dân cư nông thôn đã có qui hoạch xây dựng thuộc phạm vi xã đó.
Thời gian cấp phép xây dựng
Cấp giấy phép xây dựng mới ( giấy xin xây dựng tạm thời, giấy phép điều chỉnh, giấy phép di dời..): thời gian 20 ngày.
Cấp lại hoặc gia hạn: thời gian 10 ngày.